Một vài suy nghĩ về cách giải nghĩa từ ngữ cho người nước ngoài học tiếng Việt

Dạy tiếng Việt cho học viên nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay ở Học viện khoa học Quân sự. Việc dạy và học vẫn đang trong quá trình tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ để nâng cao hơn nữa chất lượng của người học ở bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Vì vậy, những người làm công tác giảng dạy cần phải có những phương pháp dạy học tiếng Việt sao cho hiệu quả nhất.

Ở góc độ lý thuyết, chúng ta vẫn thực hiện dạy tiếng Việt  dựa trên ba bình diện ngôn ngữ là ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp.

Cả ba bình diện ấy đều cung cấp cho người học hệ thống lý luận và thực hành bổ ích. Trong đó, từ vựng vẫn là bình diện được quan tâm nhất. Bởi từ vựng là vật liệu để xây dựng ngôn ngữ, bộ mặt của từ vựng luôn phản ánh bộ mặt của ngôn ngữ. Từ cũng là đơn vị cơ bản nhất đảm nhận nhiều chức năng của các đơn vị khác.

Với người nước ngoài học tiếng Việt, việc tích lũy vốn từ là việc làm thường xuyên, liên tục, cần thiết. Vì vậy, ở giai đoạn cơ sở cũng như các giai đoạn nâng cao khác thì việc cung cấp từ ngữ và giải thích từ ngữ là vấn đề vô cùng quan trọng.

Từ trước đến nay việc cung cấp và giải thích từ ngữ cho học viên nước ngoài thường được các giáo viên áp dụng rất nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp chuyển ngữ. Nhưng nếu áp dụng phương pháp chuyển ngữ (chủ yếu qua tiếng Anh) thì sẽ dẫn đến một thực tế là nhiều người dạy không biết ngoại ngữ, đặc biệt là không thể biết hết mọi ngôn ngữ của người học. Hơn nữa việc chuyển ngữ chỉ đơn giản là đối chiếu từ với từ chứ chưa nói hết được phần “tinh chất” tế nhị bên trong của từ ngữ.

Một số giảng viên khác lại áp dụng phương pháp giải nghĩa của từ theo từ điển khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài .

Nhìn bề ngoài, phương pháp này có vẻ rất khoa học nhưng thực tế cho thấy, sau khi toát mồ hôi để giải thích các từ theo nghĩa hàn lâm, bác học của từ điển, nhìn xuống lớp, giáo viên vẫn bắt gặp ánh mắt ngơ ngác của học trò. Điều này cho thấy cách làm của chúng ta chẳng khác nào “chích chích vào rừng xanh” càng đi càng không có đường ra. Bởi vì để giải thích được một khái niệm, chúng ta lại dùng ba, bốn khái niệm khác. Như vậy là từ mới chồng lên từ mới, thuật ngữ lặp lại thuật ngữ.

Cách giải nghĩa từ vựng cho người nước ngoài học tiếng Việt - iVina Edu

Ở bài viết này, bằng kinh nghiệm ít ỏi của bản thân trong những năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng tôi xin mạnh dạn trình bày một số phương pháp giải thích và cung cấp từ ngữ cho học viên học tiếng Việt.

1. Phương pháp giải thích từ ngữ có ý nghĩa cụ thể

Những từ ngữ có ý nghĩa cụ thể là những từ ngữ chỉ những thực thể được cảm nhận thông qua các giác quan. Nó bao gồm những từ ngữ chỉ đồ dùng, chỉ màu sắc, chỉ mùi hương, chỉ âm thanh … Khi nói đến các từ này, người nghe thường có trong đầu những hình ảnh về màu sắc, âm thanh, hương vị … Với các từ ngữ này, người dạy có thể áp dụng phương pháp trực quan thông qua hình ảnh ở các phương tiện điện tử, hoặc có thể dùng ngôn ngữ cử chỉ để diễn đạt. Chẳng hạn, khi dạy đến từ “kia” và từ “cái bàn”, giáo viên dùng tay chỉ vào một cái bàn ở xa vị trí đứng của mình.

Tương tự như vậy, ta có thể làm được dễ dàng với các đồ dùng khác trong và ngoài lớp học. Với các từ chỉ âm thanh, chúng ta nên dùng băng ghi âm lại một số âm thanh trong cuộc sống cho người đọc nhận thức. Còn những từ liên quan đến hương vị và mùi vị, giáo viên có thể chuẩn bị một số đồ vật cụ thể cho học viên cảm quan. Một số từ chỉ mức độ, kích thước, chúng ta có thể dùng hình vẽ để minh họa …

Về mặt lý luận phương pháp này chưa phải là phương pháp giải nghĩa từ vì bản thân sự vật cụ thể chưa phải là nghĩa của từ.

Nhưng chúng ta đều biết, ngôn ngữ có tính dân tộc, mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng còn tư duy có tính nhân loại. Tất cả mọi dân tộc trên thế giới đều tư duy theo quy luật từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Vì vậy, phương pháp giải thích nghĩa của các từ cụ thể mặc dù chưa cung cấp nghĩa biểu niệm của từ nhưng đã hướng đến các từ, giúp người học có hứng thú với giờ học và dễ nhớ, dễ hiểu từ ngữ. Đây cũng là một trong những phương pháp khá hiệu quả nếu giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài sử dụng trong quá trình giảng dạy.

2. Phương pháp giải thích nghĩa của các từ ngữ có ý nghĩa trừu tượng

Các từ trừu tượng là các từ chỉ khái niệm, trạng thái, tính chất, hoạt động nằm trong nhận thức của mỗi người. Với các từ này chúng ta nên áp dụng nhiều phương pháp kết hợp trong quá trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

a. Phương pháp giải thích từ ngữ dựa vào ngữ cảnh

Ngữ cảnh là những từ bao quanh, hay đi kèm một từ tạo cho nó tính xác định về nghĩa. Khi nói đến ngữ cảnh chúng ta cần phân biệt ngữ cảnh rộng và ngữ cảnh hẹp. Ngữ cảnh hẹp là ngữ cảnh không vượt quá một câu, còn ngữ cảnh rộng có thể mở rộng phạm vi ra cả văn bản, phạm vi tâm lí, xã hội của một quốc gia dân tộc. Ngữ cảnh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiểu nghĩa của từ nhất là với từ trừu tượng.

Ví dụ: Để hiểu nghĩa từ “tổn thương” giáo viên kể cho học viên nghe câu chuyện sau đây:

“Có một cậu bé rất hay cáu giận, cậu luôn hung dữ mỗi khi có ai đó làm cậu không vừa lòng. Một lần, ông bố bảo:

– Nếu con hay cáu giận như thế thì sẽ luôn làm tổn thương người khác.

– Cậu bé hỏi “tổn thương” là gì hở bố.

– Ông bố không trả lời. Ông chỉ vào những chiếc đinh được đóng trên tường và nói:

– Con hãy nhìn những cái đinh ở trên tường kia. Khi đóng đinh vào tường xong, nếu chúng ta không dùng đến chúng nữa mà nhổ chúng đi thì vẫn còn những vết thủng. “tổn thương” là như vậy đấy con ạ.

Nghe xong lời bố nói, cậu bé có vẻ ngẫm nghĩ một chút. Cũng từ đó trở đi cậu ít khi cáu giận với mọi người.

Hoặc một ví dụ khác, cũng liên quan đến ngữ cảnh:

Cô giáo và học trò đang trong giờ học. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi đến nhẹ nhàng mang theo mùi hương hoa sữa. Cô giáo hỏi học trò: “Các em có ngửi thấy mùi hương gì không ?” Học trò trả lời là “có”. Nhưng mùi hương không phải đưa đến liên tục và hương thơm cũng không quá đậm đặc. Vậy giáo viên  có thể cung cấp cho học sinh từ “thoang thoảng”. Với ngữ cảnh ấy, học sinh sẽ hiểu từ “thoang thoảng” là gì.

b. Phương pháp giải thích từ ngữ bằng cách lượng hóa (số hóa) từ ngữ

Phương pháp lượng hóa từ ngữ hay còn gọi là số hóa từ ngữ là phương pháp định lượng mức độ từ ngữ bằng các số cụ thể. Phương pháp này có thể áp dụng cho các từ chỉ tần xuất và các từ chỉ mức độ. Chẳng hạn, chúng ta có các từ chỉ tần xuất là thường, thường xuyên, hay, năng, thỉnh thoảng, đôi khi, hiếm khi, ít…Từ thường xuyên được xác định, ví dụ: một tuần có 7 ngày, đi học 5 ngày chúng ta gọi là thường xuyên đi học, vậy thường xuyên sẽ tương ứng với 5, hay, năng, tương ứng với 4, thỉnh thoảng, đôi khi  tương ứng với 2, hiếm khi, ít tương ứng với 1 …

Với các từ chỉ mức độ: Cực kì, vô cùng, rất, quá, hơi

Cực kì, vô cùng tương ứng với 8, rất, quá tương ứng với 7, hơi tương ứng với 1,2, …

c. Phương pháp giải thích từ láy bằng các từ chỉ mức độ

Chúng ta đều biết nghĩa của từ láy được xác định ở hai mức độ hoặc là giảm sắc thái nghĩa so với sắc thái nghĩa của hình vị gốc, hoặc là tăng sắc thái nghĩa so với hình vị gốc. Với các từ láy có sắc thái nghĩa giảm chúng ta dùng từ “hơi”, “nhạt” để giải thích.

Ví dụ:   xanh xanh = xanh nhạt

           xanh phơn phớt = hơi xanh

                            đo đỏ = đỏ nhạt, ít đỏ

            trăng trắng  = hơi trắng, ít trắng

Với các từ tăng mức độ nghĩa chúng ta dùng từ rất, quá, đậm để giải thích.

Ví dụ:

Đường mấp ma mấp mô = đường rất mấp mô = đường quá xấu

         Ăn sạch sành sanh =       ăn rất sạch       = ăn quá sạch (không còn gì)

d. Phương pháp dùng từ đã biết để giải thích từ chưa biết

Khi áp dụng phương pháp này giáo viên nên nắm chắc nội dung các bài đã học, nắm chắc số lượng từ ngữ mà học sinh đã lĩnh hội. Bởi nếu chúng ta dùng từ chưa biết để giải nghĩa từ chưa biết thì kết quả vẫn không có gì tiến triển. Về mặt lí thuyết phương pháp này sẽ không cung cấp được đầy đủ nội hàm khái niệm của từ trong hoạt động.

Tuy vậy, trong những trường hợp bất khả kháng, chúng ta vẫn nên thực nghiệm. Chẳng hạn để giải thích nghĩa của từ tích cực chúng ta dùng từ tốtxấu, để giải thích nghĩa của từ thuận lợi chúng ta dùng từ tốt, để giải thích nghĩa của từ phù hợp chúng ta dùng từ đúng, để giải thích nghĩa của từ đa dạng, phong phú, chúng ta dùng từ nhiều, …

e. Phương pháp dùng từ trái nghĩa để giải thích từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa là những từ khác nhau về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa biểu hiện khái niệm, tương phản về lôgic nhưng tương liên lẫn nhau.

Thông thường người học rất nhạy cảm với những từ trái nghĩa. Bởi trong tư duy của người học ngoại ngữ bao giờ cũng chứa đựng những mặt đối lập của sự vật hiện tượng. Dựa vào đặc điểm này, chúng ta có thể dùng từ trái nghĩa để giải thích lẫn nhau.

Ví dụ:

Đẹp trái nghĩa với xấu

Đen trái nghĩa với trắng

Cao trái nghĩa với thấp

Yếu trái nghĩa với khỏe

Rộng trái nghĩa với hẹp

Nông trái nghĩa với sâu

Tóm lại, những phương pháp ở trên chỉ có tính chất gợi mở suy nghĩ mới với những giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và học viên học tiếng Việt. Trong thực tế việc lĩnh hội từ ngữ nói riêng và học tiếng Việt như một ngoại ngữ nói chung, phải căn cứ vào từng đối tượng cụ thể để áp dụng các phương pháp. Thông thường cung cấp từ mới, nghĩa mới vẫn phải tuân theo quy luật từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu không thể áp dụng phương pháp chuyển ngữ toàn bộ, người dạy nên tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và thử nghiệm nhiều phương pháp sao cho đạt hiệu quả giờ dạy cao nhất.

ThS. Đào Thị Luyến – Khoa K19 – Học viện khoa học Quân sự

Trả lời

Call Me!
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon