Tiếp theo loạt bài chia sẻ về lỗi phát âm tiếng Việt mà người nước ngoài thường gặp thì ở bài này iVina sẽ chỉ ra một số lỗi phát âm về thanh điệu mà người nước ngoài thường gặp khi học tiếng Việt.

Bài 1: “Những lỗi phát âm phụ âm đầu thường gặp của người nước ngoài học tiếng Việt”

Bài 2: “Những lỗi phát âm nguyên âm thường gặp của người nước ngoài học tiếng Việt”

Bài 3: “Những lỗi phát âm âm cuối thường gặp của người nước ngoài học tiếng Việt”

1. Âm vực của thanh điệu không chính xác

Như đã nói ở bài 3, khi phát âm phụ âm đầu có cả ba giai đoạn phát âm, có nghĩa là có giai đoạn hơi thoát ra. Nhưng khi phát âm âm cuối, nếu có giai đoạn thứ 3, tức là giai đoạn thoát hơi ra, thì đường nét và âm vực của thanh điệu sẽ không chính xác. Điều này cũng có nghĩa là giữa âm cuối và thanh điệu có mối quan hệ chặt chẽ về đặc điểm cấu tạo.

Khi âm cuối phát âm không được chính xác thì phẩm chất của thanh điệu cũng bị ảnh hưởng lập tức. Vì khi âm cuối được phát âm có giai đoạn thoát hơi ra thì kéo theo hệ quả:

Một là trường độ của âm tiết bị kéo dài thêm ra, trong lúc đó trường độ của âm tiết tiếng Việt là cố định.

Hai là đường nét thanh điệu hơi bị nâng lên hoặc hạ thấp về cuối.

Ví dụ: người được phát âm là ngươi ì, học ⇒ hoóc k, bây được phát âm hơi cao hơn chuẩn thành bây i

Các học viên nước ngoài học tiếng Việt thường phát âm âm cuối có cả ba giai đoạn nên đường nét thanh điệu luôn bị ảnh hưởng, bị phát âm không chính xác.

2.  Lẫn lộn các thanh

Thanh ngã (~) và thanh hỏi (?): khá dễ phát âm đối với nhiều học viên. Trong lúc đó không ít học viên cho rằng thanh ngang là khó xác định cao độ khởi đầu nhất. Nếu xác định về cao độ khởi đầu không đúng thì không chỉ phát âm sai thanh ngang mà cao độ của tất cả thanh điệu khác trong các âm tiết của chuỗi lời nói cũng sẽ bị ảnh hưởng. Còn đối với thanh sắc (´) thì họ hơi khó xác định cao độ kết thúc. Cho nên âm điệu và âm vực của thanh sắc và thanh ngang dễ có xu hướng bị trộn lẫn, làm cho cả hai thanh đều không được phát âm chính xác.

Đặc biệt là hai thanh huyền và nặng thường hay bị lẫn lộn, do học viên nước ngoài không xác định được điểm kết thúc của hai thanh này. Thanh huyền khởi đầu thấp hơn thanh ngang và thoai thoải xuống dần cho đến kết thúc. Thanh nặng cũng khởi đầu bằng thanh huyền, nhưng ra giữa âm tiết nó đổ dốc xuống và kết thúc thâp hơn thanh huyền, đồng thời có hiện tượng siết thanh hầu. Nếu quan sát bằng mắt thường, khi ấy chúng ta sẽ thấy cơ hàm dưới hạ thấp, có cảm giác căng trong họng.

Có thể làm một thực nghiệm nhỏ. Chúng ta cho học viên phát âm hai từ là, lạ. Khi phát âm từ , ta để học viên phát âm bình thường. Còn khi phát âm từ lạ, thì đúng lúc học viên phát âm, ta ra dấu cho họ kéo cơ hàm (ở chỗ cổ) xuống. Ngay tức khắc họ phát âm chính xác từ lạ. Thực nghiệm này đã được chúng tôi thử nhiều lần.

3. Phát âm sai thanh điệu trong chuỗi lời nói

Học viên nhận thức được cách phát âm 6 thanh điệu tương ứng với 5 dấu giọng khi đọc từng âm tiết tách rời. Nhưng khi đọc các âm tiết đi vào trong chuỗi lời nói thì họ thường phát âm sai hay lẫn lộn các thanh điệu. Cụ thể:

Khi hai âm tiết cùng mang dấu huyền đứng liền kề nhau, học viên thường đọc đúng âm tiết sau, còn âm tiết đầu có xu hướng lướt nhẹ đi, tức nó được phát âm nhưng khi mang thanh ngang.

Ví dụ:

nhà trường ⇒ nha trường

bình thường ⇒ binh thường

Khi âm tiết mang thanh huyền đi liền với âm tiết mang thanh nặng tình hình này cũng xảy ra tương tự.

Ví dụ:

bạn bè ⇒ ban trường

nhà trọ ⇒ nha chồ ( kèm thêm lỗi phát âm /ʈ/ (tr) thành /C/ (ch), / ͻ/ (o) thành /o/ (ô) và không phân biệt rõ cách phát âm dấu huyền với dấu nặng)

Học viên cũng khó phát âm khi hai âm tiết cùng mang thanh nặng đi liền nhau.

Họ thường đọc sai theo hai cách: một là đọc đúng thanh nặng của âm tiết sau, còn âm tiết mang thanh nặng ở vị trí trước được đọc nhẹ đi, trở thành âm tiết có thanh ngang hay có thanh sắc

Ví dụ:

bạn học ⇒ ban học

học tập ⇒ hók tập

Hai là đọc đúng thanh nặng của âm tiết đi trước còn thanh nặng của âm tiết đi sau bị đọc thành thanh sắc.

Ví dụ:

bạn học ⇒ ban hóc

Trường hợp mang thanh nặng đi cùng âm tiết có thanh ngã cũng tương tự như vậy. Âm tiết mang thanh nặng đứng trước chuyển thành âm tiết có thanh ngang hoặc có thanh sắc. Còn âm tiết mang thanh ngã đứng sau có xu hướng trở thành âm tiết mang thanh nặng hoặc mang thanh huyền, nghĩa là hạ giọng xuống âm vực thấp.

Ví dụ:

sạch sẽ ⇒ sách sè

(Xem [24] Đoàn Thị Thu Vân – Hội thảo về giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài)

Nguồn tham khảo: “Cách dạy phát âm tiếng Việt cho học viên nước ngoài” – NXB ĐH SP TPHCM – PGS. TS Nguyễn Thị Hai

Trả lời

Call Me!
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon